Ngành dệt may Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục đối diện với hàng loạt khó khăn, chịu tác động bởi kinh tế thế giới và trong nước dẫn đến nhu cầu sản phẩm giảm. Bên cạnh đó là hàng loạt các chi phí đầu vào tăng như giá điện, giá cước vận tải, lương tối thiểu cùng các quy định mới từ thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023.
Đa dạng thị trường, tăng năng suất lao động
Để đạt mục tiêu của ngành dệt may cũng như của DN trong năm 2024, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty CP May 10 cho biết, DN sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.
“Năm 2024, May 10 tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý. DN tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu… để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh. Đặc biệt, DN tăng cường công tác quản lý chất lượng, duy trì khẩu hiệu hành động “chọn việc khó” với phương châm bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”, ông Thân Đức Việt nêu phương hướng.
Ngoài việc duy trì và mở rộng thị trường, cải thiện công tác tổ chức sản xuất, đảm bảo hiệu quả tối ưu, các DN dệt may trong năm 2024 còn phải hoàn thiện hệ thống số hóa quản trị sản xuất, đầu tư chiều sâu để đáp ứng tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra đối với nền công nghiệp dệt may Việt Nam.
Khẳng định năm 2024 DN sẽ tập trung mạnh vào tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên – CTCP cho rằng, trong xu hướng của sản xuất xanh, tuần hoàn, các DN may đang vướng trong khâu đánh giá, trước những yêu cầu cao về điều kiện mặt bằng sản xuất, cả về xanh hóa và ứng dụng công nghệ số. Để đáp ứng các tiêu chí này, DN phải đầu tư rất lớn để tăng năng lực cạnh tranh do đó cần quan tâm đến tăng năng suất lao động.
“May Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao. DN đề nghị với đơn vị có vốn của DN, cho phép các DN phát hành cổ phần ưu đãi 5% cho người lao động để giữ được đội ngũ lao động cốt cán, gắn bó với DN thông qua cổ phần”, ông Dương đề xuất.
Không để gián đoạn sản xuất
Năm 2024, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023, lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Lãnh đạo Vinatex cho biết, để thực hiện được kế hoạch trên, nhiệm vụ trọng tâm của Vinatex sẽ là tiếp tục đảm bảo duy trì ổn định mọi nguồn lực, giảm tổn thất xuống mức tối thiểu.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, tập đoàn bám sát và cập nhật tình hình thị trường và nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ 1 tháng/lần, để các đơn vị thành viên có thể định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường vai trò của các Ban kinh doanh trong việc quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị gặp nhiều khó khăn về thị trường và quản trị sản xuất.
“Tập đoàn xây dựng cơ chế linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, ưu tiên các “điểm nóng” cần xử lý ngay, không để gián đoạn sản xuất, người lao động phải nghỉ việc. Kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính tại các đơn vị trọng yếu, chỉ đạo, hỗ trợ một cách kịp thời, liên tục. Nhanh chóng đưa vào hoạt động hệ thống chuyển đổi số quản trị tài chính và nhân lực, phần mềm quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng quản trị thống nhất, minh bạch, tức thời tại tập đoàn và một số đơn vị”, ông Cao Hữu Hiếu cho biết.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng và toàn diện của các nền thương mại, tạo ra vấn đề cạnh tranh thị trường thương mại toàn cầu của một số nền công nghiệp dệt may. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngoài việc ngành phải giải quyết một số vấn đề lớn là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng, cần nhận diện và có giải pháp đối với những yếu tố tác động trong cạnh tranh thương mại, không chỉ cho ngành dệt may mà còn cho tất cả các ngành công nghiệp khác.
“Ngành dệt may đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, đi đôi với phát triển thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề phát triển xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính… Do vậy, cần đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, cụ thể là quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư tại một số khu vực, địa phương”, ông Giang cho biết.
Ngoài những nỗ lực từ phía các DN, có thể nhận thấy ngành dệt may năm 2024 vẫn tận dụng tốt những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh khác. Đơn cử như Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, EU.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm. Đó chính là những yếu tố thuận lợi, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định trong phát triển lâu dài, bền vững.